Assassin’s Creed Odyssey quả thật mang đến một thế giới hết sức mở rộng lớn để người chơi khám phá, nhưng những gì xây dựng bên trong đó mang nặng tính lặp lại và thậm chí có phần phô diễn hơn là tương xứng. Mặc dù game có nội dung cũng khá hấp dẫn và gây ấn tượng với đồ họa đẹp rạng rỡ, nhưng lại đề cao yếu tố “cày cuốc” với hàng đống nhiệm vụ phụ hao hao nhau không có gì hấp dẫn. Nó khiến trò chơi thích hợp với fan cứng của series game Assassin’s Creed, hoặc thích tham quan ngắm cảnh trên nền đồ họa đẹp mắt hơn là những đối tượng người chơi khác. Tuy game có bán vật phẩm ảo toàn “hàng ngon”, nhưng nếu bạn có nhiều thời gian “cày cuốc” thì cũng không cần móc hầu bao.
Một tính năng “cũ người mới ta” có lẽ được Assassin’s Creed Odyssey vay mượn từ game Far Cry 5 là các trận đánh chinh phạt với cuộc chiến quy mô lớn hơn. Nhân vật của người chơi sẽ lao vào “chặt chém”, xuyên thủng hàng phòng ngự của kẻ thù để giành quyền kiểm soát lãnh thổ theo phong cách game Musou. Tuy nhiên, nó đòi hỏi trước đó bạn phải phá căn cứ của kẻ thù, tiêu binh diệt tướng, cướp kho báu và tiêu hủy kho quân nhu của kẻ thù. Khi thanh “chiến sự” ở mỗi khu vực “hạ nhiệt” là lúc người chơi có thể tiến hành chinh phạt.
Đây là cuộc chiến với phần thưởng là rất nhiều điểm kinh nghiệm, nó khá hỗn loạn và hào hứng hơn hẳn các trận chiến thông thường trong trải nghiệm. Phần gameplay này được thiết kế như một dạng nhiệm vụ lặp lại, để người chơi có thể thường xuyên “cày” điểm kinh nghiệm từ nó mỗi khi bị kẻ thù chiếm lại lãnh địa. Ngoài ra, Assassin’s Creed Odyssey có một hệ thống săn thưởng khá thú vị về mặt lý thuyết nhưng lại gây ức chế nhất trong trải nghiệm do thiết kế mang nặng cảm giác bất công.
Về cơ bản, tùy thuộc vào việc bạn giết hại thường dân, cướp bóc hay thậm chí là tiêu diệt kẻ thù ít nhiều ra sao mà nhân vật của người chơi sẽ “được” treo thưởng. Khi đó, bạn sẽ bị truy sát bởi những kẻ thù rất mạnh vượt nhân vật ít nhất 10 cấp. Đáng nói là những kẻ thù này biết rất rõ mọi dấu vết của bạn, luôn truy đuổi và gây phiền nhiễu cho người chơi rất nhiều trong trải nghiệm, tới mức khiến bạn tức điên. Tuy nhiên, những kẻ thù này không phải là thứ duy nhất gây khó chịu mà còn phải kể đến hệ thống hành động lén lút trong game đôi lúc vận hành như “những người thích đùa”.
Không ít lần kẻ thù có thể phát hiện nhân vật của người chơi hết sức vô lý từ những vị trí “không thể tin được”. Ngược lại, nhiều khi bạn chạy đến sát bên nhưng kẻ thù lại không nghe và phát hiện ra. Có một điều thú thú vị là người chơi cũng có thể tuyển dụng và biến kẻ thù trở thành đồng minh, ra lệnh cho họ tạo những tình huống “dương đông kích tây”, giúp bạn dễ dàng hành động lén lút hơn. Có điều, tính năng này vận hành khá giống trong game Satellite Reign. Đáng tiếc là Assassin’s Creed Odyssey cũng có hàng loạt vấn đề kỹ thuật khá khó chịu, có lẽ phải chờ vài bản cập nhật sau khi phát hành mới khá hơn được.
Đầu tiên phải kể đến là thời gian loading giữa mỗi lần chết và các đoạn chuyển cảnh rất lâu. Chưa kể game thường xuyên “treo hình” ở những đoạn “phụ tải” trong lúc trải nghiệm. Tốc độ khung hình trồi sụt khá thất thường. Nhưng tất cả không dễ điên bằng hệ thống autosave “sớm nắng chiều mưa” còn hơn cả game Shadows: Awakening. Nếu sơ ý để nhân vật chết ngay sau khi vừa hoàn thành nhiệm vụ thì dù đã nhận luôn điểm kinh nghiệm rồi, không hiếm lần bạn sẽ rơi vào trường hợp bị buộc phải chơi lại từ đầu nhiệm vụ hoặc checkpoint gần nhất. Tôi thật sự không hiểu một hệ thống autosave “sai, quá sai” như thế này lại dễ dàng lọt qua khâu kiểm tra chất lượng ban đầu của một tựa game AAA như thế này?
Trang chủ:
https://go88.blog