Raging Justice là một tựa game chặt chém gợi rất nhiều cảm giác hoài cổ một thể loại từng phát triển rất mạnh vào thập niên 90. Nếu muốn tìm một game để bạn có thể hồi ức lại những cảm giác “chặt chém” ngày xưa, nhưng với đồ họa được nâng cấp tốt hơn và mới mẻ hơn, đây là cái tên mà bạn không nên bỏ qua. Thậm chí nếu bạn không biết hoặc chưa từng trải nghiệm thể loại nà và, chỉ muốn một cảm giác giải trí đơn thuần, trò chơi cũng là lựa chọn đáng chú ý.
Trong Raging Justice, người chơi điều khiển một trong ba nhân vật thuộc lực lượng cảnh sát là Rick, Nikki và Ashley. Mỗi nhân vật đều có phong cách chiến đấu riêng. Chẳng hạn Rick thì thiên về tấn công cận chiến và có sức mạnh nhiều hơn nên thường dễ thực hiện các đòn vật đối với kẻ thù. Trong khi Nikki thì là nữ nên nhanh nhẹn và dễ thực hiện các đòn tấn công chớp nhoáng hơn. Chính vì mỗi nhân vật đều có điểm yếu và điểm mạnh riêng, nên để trở thành “nỗi ám ảnh của giới tội phạm” thì người chơi cần phải hiểu rõ ưu và khuyết của nhân vật mà mình điều khiển.
Tuy nhiên, việc chỉ cho phép lựa chọn giữa ba nhân vật khiến tôi cảm thấy có gì đó sai sai, đặc biệt khi trò chơi cho phép chơi co-op hai người với nhau. Điều này có thể khiến người chơi cảm thấy bó hẹp trong việc chỉ có thể chọn giữa ba nhân vật. Bù lại, trò chơi làm khá tốt yếu tố chiến đấu vốn là điểm quan trọng nhất trong lối chơi của thể loại này. Bên cạnh đó, số lượng kẻ thù cũng tương đối đa dạng đối với một tựa game chặt chém, mỗi kẻ thù đều buộc người chơi phải tìm hướng tiếp cận khác nhau.
So với nhiều game cùng thể loại từ những năm 90, Raging Justice đang làm tốt hơn rất nhiều. Nếu như trước đây, hầu hết việc người chơi cần làm chỉ là nện nút thật nhanh và nhiều để tiêu diệt kẻ thù là có thể dễ dàng giành chiến thắng, thì điều đó lại không xảy ra trong đây. Trừ khi bạn muốn kết thúc hành trình “thực thi công lý” sớm, chứ việc nện nút liên tục chỉ khiến bạn sớm bị đại bại dưới tay kẻ thù. Trò chơi buộc người chơi phải suy nghĩ một chút về đòn tấn công và cân nhắc hơn thiệt. Chẳng hạn nếu bạn bắt giam kẻ thù thì được thưởng máu nhưng sẽ mất thời gian qua màn hơn, gây ảnh hưởng đến các điều kiện kiếm điểm đua leaderboard khác. Không có chuyện “tay nhanh hơn não” là thắng nữa.
Nhân vật của người chơi luôn “tay không đánh giặc”, thế nhưng kẻ thù thì có vô số vũ khí mà bạn có thể mượn tạm rồi từ đó tận dụng để “gậy ông đập lưng ông” chúng. Những vũ khí như thế này rất nhiều, và thường xuyên rơi dọc màn chơi mỗi khi bạn chiến đấu với kẻ thù. Raging Justice làm khá hay ở điểm này khi cho phép bạn có thể vơ vét mọi thứ có thể trong màn chơi để tấn công kẻ thù và ngược lại. Tức là kẻ thù cũng hoàn toàn có thể vơ đại một cái thùng rác nào đó trên đường để ném lại vào bạn. Chưa kể, chúng cũng có thể vô tình đánh trúng nhau khi xuất hiện quá đông trên khung hình. Do vậy khi chiến đấu thường mang đến cảm giác công bằng, ít có chuyện kẻ thù luôn “trên cơ” người chơi như những tựa game khác.
Đáng tiếc là điều này chỉ đúng với bọn “chân rết” trong màn chơi. Với một số tên boss lại là vấn đề khác. Đây chính là việc khiến tôi cảm thấy đáng phàn nàn nhất trong Raging Justice. Một số boss có những đòn tấn công rất “dơ”, gần như rất khó tránh khỏi việc trúng đòn của chúng trừ khi bạn “vô tình lượm được bí kíp” khi đứng ở vị trí không bị ảnh hưởng bởi những đòn thế này. Thật ra tôi nghĩ đây là vấn đề của bản thân trò chơi, nằm ở cơ chế điều khiển có chút vấn đề khi sử dụng gamepad nên thường xuyên rất khó để né tránh khi cần. Trong khi nếu dùng bàn phím thì trò chơi lại khá dễ thực hiện các thao tác né tránh hơn.
Trang chủ:
https://go88.blog