Tech Support: Error Unknown mang đến một trải nghiệm mô phỏng công việc hỗ trợ khách hàng khá thú vị. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là tạo được sự hấp dẫn thông qua cốt truyện gây tò mò, nhiều kết cục mang đến giá trị chơi lại cao và mở rộng trải nghiệm bằng nhiều cơ chế đơn giản nhưng khá phù hợp trên thực tế. Tuy nhiên những vấn đề khác của trò chơi có thể gây nên hạn chế đáng tiếc trong trải nghiệm. Nếu có thể bỏ qua những vấn đề này thì đây là một tựa game mô phỏng khá thú vị với những bạn nào yêu thích thể loại này và tò mò về công việc hỗ trợ kỹ thuật.
Xen lẫn những cuộc hỗ trợ kỹ thuật trực tuyến này là những cuộc trò chuyện liên quan đến tổ chức mờ ám nói trên hay thậm chí là chuyện riêng của gia đình bạn. Vấn đề của trò chơi bắt đầu phát sinh từ đây. Về cơ bản, với các thiết lập lựa chọn được nhóm sẵn ngay từ đầu trải nghiệm, không có cách nào để bạn trò chuyện với những đối tượng khác ngoài khách hàng cả. Đơn giản là vì hệ thống hỏi đáp định sẵn của trò chơi không được thiết kế cho mục đích đó. Thay vào đó, người chơi phải tùy cơ ứng biến những lựa chọn có sẵn để cuộc trò chuyện ngoài hỗ trợ kỹ thuật được đi vào quy cũ, nhưng điều đó vốn cũng chẳng dễ dàng gì, lại mang cảm giác gò bó hết sức khó chịu.
Mặt khác, càng trải nghiệm về sau, Tech Support: Error Unknown càng lộ ra điểm yếu của lối chơi tuyến tính này và một vài vấn đề khác. Trong nhiều trường hợp, một khi bạn trải nghiệm theo đúng thiết kế của nhà phát triển thì mọi chuyện diễn ra rất tốt. Thế nhưng, một khi bạn chơi không đúng như thiết kế này thì trải nghiệm đôi lúc trở nên khá thảm họa. Các nhân vật bắt đầu nói lung tung không theo đúng ngữ cảnh, dẫn đến những câu trả lời “lệch pha” rất buồn cười. Tôi thường gặp nhất là trong trường hợp không kịp chờ khách hàng trả lời hoặc vô tình bị nhảy câu trả lời khi khách nhắn tin liên tục, lúc này trò chơi giống như bị rối loạn vì không biết cách xử lý như thế nào rất hài hước.
Đáng nói nhất là những sai lầm của người chơi khi xử lý tình huống với khách hàng đôi khi được giải thích thiếu thuyết phục, kể cả lý do bạn bị đuổi việc vì không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Kỳ thực, tôi không nhớ đã bị đuổi việc bao nhiêu lần trong suốt thời gian trải nghiệm, thậm chí ngay cả khi được công ty đánh giá chất lượng công việc hôm đó rất cao. Những đánh giá này không những gây rối cho người chơi mà hành động bị sa thải cũng gây nhiều bất ngờ, khiến bạn hoàn toàn mù mờ về lý do bị thôi việc là gì.
Kỳ thực, nói đơn giản thì cho dù bạn làm tốt thế nào nhưng nếu có một hoặc hai khách hàng phàn nàn trong ngày thì khả năng cao bạn sẽ bị “lên dĩa”. Đó là chưa kể những tình huống sa thải khác, chẳng hạn khi công ty phát hiện bạn đang điều tra họ, liên lạc với tổ chức bí ẩn nói trên hoặc không làm đúng theo mệnh lệnh của cấp trên giao cho và phải trả giá. Có những cái giá phải trả rất dễ nổi điên vì nó gây hại đến trải nghiệm, dù khá đúng với thực tế. Chẳng hạn như khi trưởng phòng kỹ thuật nhắc nhở bạn không được cài một bản cập nhật hệ điều hành mới mà bạn vẫn không nghe thì máy tính có thể bị màn hình xanh chết chóc BSOD bất kỳ lúc nào khi đang làm việc, cực kỳ dễ nổi điên.
Thậm chí tôi cũng phải khen nhà phát triển đã thiết kế màn hình BSOD giống hệt từ thời Windows 7 trở về trước, khiến tôi khi đang trải nghiệm còn tưởng máy tính bị gì thật. Tuy nhiên, giao diện của trò chơi lại không được ấn tượng như vậy. Nó khá cơ bản và hạn chế về không gian lẫn hệ điều hành, chỉ cho phép bạn mở một số cửa sổ nhất định và không gian làm việc khá hạn chế, chỉ mở hay hay ba cửa sổ là đã chiếm hết không gian desktop, nhiều khi rất khó theo dõi mọi thứ trên màn hình. Ngoài ra, Tech Support: Error Unknown được thiết kế để trải nghiệm bằng chuột nên tính linh hoạt không cao. Tôi nghĩ nếu nhà phát triển có thể bổ sung thêm các phím tắt bằng bàn phím để chỉ định các câu hỏi hay câu trả lời cho thuận tiện trải nghiệm hơn.
Trang chủ:
https://go88.blog